NIỀM TIN


Nói đến niềm tin thì chẳng có ai là xa lạ với nó, vì nó có có nơi mọi người, trong mọi khía cạnh, mọi lãnh vực của cuộc sống con người. Niềm tin vào cuộc đời, vào con người với nhau, vào tổ chức, vào tương lai, nhất là niềm tin trong tâm linh, trong tín ngưỡng, tôn giáo.

Bởi vậy câu nói: “niềm tin trong Kytô giáo” cũng mang ý nghĩa đó trên phương diện khách quan theo nghĩa của “hội nhập văn hóa”, nhưng đối với kytô hữu thì nó là một nhân đức đối thần thuộc về siêu nhiên khác với niềm tin thông thường thuộc lãnh vực tự nhiên.
Nuôi dưỡng niềm tin

Ai cũng dễ hiểu rằng niềm tin là sự tin tưởng, hy vọng vào một chủ thuyết, một vấn đề tâm linh hay sự kiện, một lẽ sống, một đối tượng, trong hiện tại cũng như trong tương lai, để mong đạt được một mục đích cao đẹp nào đó.

Bởi vậy ai không có niềm tin thì không còn sức sống và không còn muốn sống nữa.

Niềm tin là một động cơ để sống và làm việc, để có lý do tồn tại và là điều kiện cốt yếu để có được hạnh phúc, ngay cả trong lúccon người gặp đau khổ nhất.

Niềm tin này nó được hình thành ngay từ trong căn tính của con người, nghĩa là được phú bẩm qua di truyền, rồi qua giáo dục, qua văn hóa, qua môi trường sống, và thăng trầm qua những biến cố của đời sống. Con người có được đời sống tinh thần phong phú chính là nhờ vào những niềm tin chân chính đã được phú bẩm, cũng như do văn hóa và giáo dục mang lại, chứ không phải ở những yếu tố bên ngoài. Như vậy người ta cũng có thể căn cứ vào những niềm tin chân chính để làm thước đo ý nghĩa và giá trị của đời sống con người cũng như hạnh phúc của họ.

Vì vậy niềm tin là một lẽ hết sức tự nhiên, hoặc gọi là đức tính hoàn toàn tự nhiên của con người, có khác nhau là do những yếu tố thuộc về văn hóa và giáo dục mà thôi.

Vì là lẽ tự nhiên, nên niềm tin được tồn tại và phát triển tùy thuộc vào mỗi cá nhân, mổi gia đình và xã hội, hoặc qua tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng vì lẽ tự nhiên, nên niềm tin lệ thuộc vào sự nhận thức, nhất là lệ thuộc vào tình cảm, vào cảm xúc, vào trí tưởng tượng, vào những quan năng hoạt động của thần kinh (ngũ quan).
Next Post Previous Post