NGƯỜI TU LUYỆN THÌ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO ĐỜI?


Sống ở đời này, đã làm người thì ít nhất cũng phải mang lại lợi ích cho xã hội, cho gia đình họ hàng. Vậy người tu luyện không màng danh lợi, không mơ giàu sang phú quý, thì họ làm được gì cho cuộc đời này.
NGƯỜI TU LUYỆN THÌ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO ĐỜI?

Dưới đây là hai câu chuyện nói lên rằng đã làm người thì phải có ích cho xã hội.

Quả bầu đá

Ở nước Tề, có một người sống ẩn dật tên gọi là Tian Zhong. Một hôm, Qu Gu ở nước Tống đến thăm ông:

“Ta nghe nói rằng ngài chẳng tin tưởng vào bất kỳ ai vì tính mạng của mình. Ở đây ta có một quả bầu lớn cứng như đá. Vỏ của nó dày đến nỗi ta thậm chí không thể đâm thủng nó. Ta muốn tặng nó cho ngài”.

Tian Zhong bèn nói: “Giá trị của quả bầu nằm ở sức chứa đồ của nó. Nếu vỏ của nó dày đến mức không thể đâm qua thì nó chẳng thể chứa được gì cả. Nếu nó cứng như đá, ta cũng không thể cắt làm đôi để dùng làm vá múc nước. Vậy ta làm được gì với quả bầu vô dụng này cơ chứ?”

Qu Gu cười và thong thả bảo: “Ngài nói đúng đấy. Loại bầu này hoàn toàn vô dụng. Ta sẽ quăng nó đi và quên tất cả”.

Lời bình của Hàn Phi Tử: Tian Zhong không sẵn lòng tin tưởng ai vì tính mạng của mình, vậy chẳng phải ông cũng đã trở thành người vô dụng đối với đất nước, cũng giống như quả bầu cứng như đá kia sao?

Hòn đá và viên gạch

Tương truyền rằng khi Lão Tử cưỡi trâu xanh đi qua cửa Hàm Cốc có gặp một ông lão tóc bạc trên 100 tuổi. Ông nói ông đã hưởng một cuộc đời thái bình và an nhàn, còn những người khác lại khốn khổ đối với hoài vọng của họ. Lão Tử bảo ông hãy đem đến một hòn đá và một viên gạch, hỏi ông lão chọn thứ nào. Ông lão đã chọn viên gạch. Lão Tử lại hỏi:

“Hòn đá sống lâu hay viên gạch sống lâu ạ?”

Ông lão nói:“Đương nhiên là hòn đá”.Lão Tử thư thái cười nói:

“Hòn đá trường thọ hơn nhưng mọi người không chọn, viên gạch đoản thọ nhưng mọi người lại chọn, chẳng qua là có tác dụng và vô dụng. Vạn vật cũng thế. Thọ tuy ngắn mà có ích, mọi người đều chọn, đều thích, đoạn mà không đoản. Thọ tuy trường nhưng không có tác dụng, mọi người bỏ qua, mặc nhiên quên mất nên trường mà lại đoản”.

Cả hai câu chuyện rõ ràng đều nói lên một đạo lý rằng, đã làm người trong cõi đời này thì phải mang lại lợi ích gần nhất là cho người thân gia đình, tiếp đến là bạn bè thân quyến, xa hơn là cho xã hội. Người như thế mới là hữu dụng, còn như vị lão niên, có sống đến vạn năm mà chẳng giúp ích gì cho ai thì liệu có ai cần đến ông. Hay vị Tien Zhong chỉ vì bảo toàn tính mệnh mà trở thành người vô dụng, há chẳng phải uổng một kiếp làm người.

Vậy thì những người rời xa thế tục, lên núi sâu rừng già để tu Đạo theo phép tu của Đạo gia thì chẳng phải là vô dụng, còn các tăng nhân đi vân du nhận của bố thí thì phải chăng cũng là chẳng dùng được, vì họ có giúp ích được gì cho cuộc đời này, mà còn là gánh nặng của xã hội. Người tu luyện tâm không màng danh lợi, vậy hỏi họ sống trong cuộc đời này nếu không vì danh lợi thì vì cái gì?

Con đường tu luyện là con đường gian nan.

Thực ra hai câu chuyện trên là để phê phán những người không có lý tưởng sống, sống cuộc đời vô vị, họ không mất gì cả nên cũng chẳng được gì. Những người này sao có thể đem so với người tu luyện .

Sống trong đời ai cũng phải có lý tưởng sống, người muốn giàu có thì kiếm kế kinh doanh, người muốn được nổi tiếng, thì học làm diễn viên, ca sĩ. Còn người tu luyện, họ muốn đi tìm ý nghĩa nhân sinh, muốn thoát khỏi khổ đau của đời người nên theo phép tu Phật, tu Đạo. Thế nên, họ cũng là người trong xã hội này, chỉ khác người ta ở cái lý tưởng sống. Chúng ta sao có thể phê phán hay trách móc một người vì lý tưởng sống của họ.

Người muốn kinh doanh thành đạt phải bỏ bao tâm sức, nào là tìm vốn, địa điểm kinh doanh, phải tìm hiểu nhu cầu khách hàng, lúc nào cũng tất bật. Còn người muốn nổi tiếng thì phải khổ luyện, từ ngoại hình, học thức, cách đi đứng, nói chuyện, tất tần tật mọi thứ để có thể hóa thân vào nhân vật và làm rung động trái tim khán giả.

Người tu luyện cũng vậy, họ cũng phải đánh đổi rất nhiều thứ để làm bậc chân tu. Người tu luyện chân chính khi bị đánh, bị nhục mạ, thậm chí còn bị người ta nhổ nước bọt vào mặt, vẫn phải nhẫn nhịn, và thậm chí cũng không được để tâm oán thán. Người tu luyện đối mặt với giai nhân tuyệt sắc, cũng không được động tâm mang chút tơ vương, như cách Đường Tăng khổ sở khước từ Tây Lương Nữ Quốc.

Chạy theo danh lợi sắc thì dễ, nhưng giữ vững tâm mình trước hết thảy cám dỗ không phải chuyện đơn giản. Giả sử Đường Tăng ngày ấy không vượt qua được quan ải mỹ nhân này, có lẽ con đường tu luyện của ông đã chấm dứt, và hành trình cực khổ về miền Tây Thiên ấy coi như bỏ sông bỏ bể.

Tu luyện không phải là con đường dễ dàng để những ai bồng bột nhất thời vì chán lánh hồng trần mà bước vào. Tu luyện là con đường gian khổ, tu bỏ những thứ không tốt của phần xác thịt con người. Liệu trong chúng ta, ai có thể như thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ cả vương quyền để làm một tu sĩ khất thực nơi thế nhân.

Trốn vào núi sâu rừng già cũng chỉ là một phương cách để giữ tâm không sa ngã, sống trong chốn danh lợi phù hoa này mà có thể giữ tâm không động, không để bị cuốn trôi theo dòng mới là khó nhất.

Một tâm hồn thuần khiết, không màng danh lợi, chẳng lẽ không thể là điều mong nguyện của đời người.

Có người vẫn sẽ nói rằng, kinh doanh thì kiếm lợi cho bản thân, gia đình và làm giàu cho xã hội; người ca sĩ diễn viên ngoài tạo được danh tiếng cho bản thân thì còn phát triển nền nghệ thuật nước nhà, làm đẹp cho đời, cho đất nước; còn người tu luyện thì làm được gì cho đời?Thực ra, kinh doanh muốn phát đạt phải theo đạo kinh doanh, làm nghệ thuật muốn xây dựng danh tiếng lâu dài thì cái tâm người nghệ sĩ rất quan trọng. Nếu người kinh doanh trái đạo đức thì họ không những hại cho gia đình mà còn hại cả xã hội. Người nghệ sĩ nếu không có cái tâm cao quý thì họ dễ dàng vì tiền mà tạo ra những thứ nghệ thuật biến dị đầu độc thế nhân. Thế nên, người mang lại lợi ích cho xã hội là người hành theo Đạo, chứ không phải là người theo nghành nghề gì.

Người tu luyện nếu không buông bỏ được danh lợi sắc, sa ngã vào thói hư tật xấu của người đời, không tuân thủ môn quy, thì cũng chính là cái họa loạn xã hội, ví như có vị sư nào đó ở đất Thái, du hành máy bay, tay ôm gái đẹp, hay chuyện dựng chùa lập miếu để trục lợi, kết bè tạo phái.

Còn người tu luyện chân chính thì sao? Nếu ai một lần đến đất nước hạnh phúc nhất thế giới là Buhtan, người ta sẽ thấy hầu hết người dân tại đây đều là người tu Phật, họ một lòng kính ngưỡng Thần Phật, từ vua chúa cho đến thường dân. Hạnh phúc của họ không đến từ việc có bao nhiêu tiền. Cuộc sống bình dị, hòa hợp với thiên nhiên, họ không phải tất bật chạy theo mọi thứ, cũng không phải làm quần quật cả ngày để tạo ra được thật nhiều tiền nhằm thỏa mãn những ham muốn không có điểm dừng.

Phải chăng đó chính là điều mà người tu luyện chân chính mang lại? Phải chăng họ chính là lời nhắc nhở chúng ta đi chậm lại trên con đường bôn ba tất bật này, và khuyên chúng ta giữ mình ở trong Đạo, sống biết hành thiện, và chớ làm việc ác vì nhân quả luân hồi, thiện ác đều có báo.

Một tăng nhân vân du dầm dãi nắng mưa, đánh đổi hết thảy tiền tài vật chất của bản thân, mong nhận được của bố thí, cũng chỉ là để kêu gọi chút thiện lương nơi con người. Người bố thí chính là người đã hành việc thiện, tích đức, tương lai vì mối nhân duyên thiện lành này mà được phúc báo, những ác nghiệp vì thế mà có thể tiêu tan, nên vân du khất thực còn gọi là hóa duyên.Đạo của Lão tử ngày xưa chính là dạy con người sống Chân, Pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni ngày ấy chính là khuyên con người hành Thiện. Từ đó, muôn dân có được cuộc sống an hòa, thái bình, người dân luôn trong tâm thái thư thả, không tranh không đấu, cuộc sống thần tiên.

Vậy thì, đâu là hạnh phúc và lợi ích thực sự mà xã hội ngày nay cần đến? Có lẽ mỗi chúng ta hãy tự đặt cho mình câu hỏi này, trước khi hỏi rằng, người tu luyện thì làm được gì cho đời?
Next Post Previous Post