Về quê ăn cưới người yêu

Vậy là em đã lấy chồng thật rồi!

Người ta bảo: tình đầu như mảnh đạn ghim trong đầu - bình thường có thể không sao, nhưng khi trái giới giở trò, à nhầm, trái gió trở giời, thì nó vẫn có thể cắn rứt, làm ta nhoi nhói. Nếu vậy, tấm thiệp mời trên bàn, thời gian địa điểm rõ ràng mà anh nhận được từ em đây đích thị là một cơn gió mùa lạnh lùng khắc nghiệt tràn về hồn anh đột ngột, làm tim anh tái tê ủ dột, dù mới hôm trước đó, nắng ấm vẫn còn rung rinh trên vòm cây lấp ló, bướm vàng vẫn liệng chao trên nền trời xanh mướt gió...
Về quê ăn cưới người yêu

Tròn 3 năm rồi em nhỉ, kể từ ngày chúng mình đôi ngả chia ly. Chính xác hơn là vào đêm Noel cách đây 3 năm về trước, sau khi tan lễ ở nhà thờ, anh vội vàng đưa em đi nhà nghỉ. Đường xóc, con Wave ghẻ của anh cứ long lên còng cọc. Đang đi, chợt có thằng từ sau vọt lên, bảo: "Anh ơi! Rơi người yêu rồi!".

Anh nhìn sau lưng thì đúng là không thấy em đâu thật, rồi cuống cuồng quay xe lại tìm em. Đường xóc, anh phóng nhanh, con Wave ghẻ càng được thể xòng xọc rung lên. Có lẽ, cũng vì cái tiếng kêu đó mà anh đã không nghe được tiếng em rơi...

Em kia rồi, đang ngồi ở vệ đường ôm mông nhăn nhó. Nhưng sao, cạnh em còn có một thằng chó, nó đang nâng niu, hỏi han em chăm chú. Và khi anh còn chưa kịp phi tới, thằng đó đã dìu em đứng dậy, em ngoan ngoãn nghe theo, để mặc cho nó ôm eo, và ngồi lên cái xe SH của nó, nhẹ nhàng như một con mèo. Rồi nó nổ máy chở em lao đi vun vút. Anh vít hết ga, vừa cong đít đuổi theo, vừa gọi em chới với, nhưng con Wave ghẻ của anh hụt hơi rồi, SH chạy nhanh quá, anh chết lặng nhìn bóng em và thằng SH dần xa, chìm vào màn sương đêm lạnh giá. Anh đã đánh rơi em, đánh rơi luôn cả tình yêu đầu tiên hồn nhiên, trong sáng của mình...

Anh nâng niu kỷ vật em trao, lòng nức nở, nghẹn ngào, nước mắt chực trào. Lần nào nhớ em cũng thế, anh đều lôi kỉ vật ấy ra, đưa lên mũi hít hà: đó là chiếc quần sịp em tặng anh nhân dịp kỉ niệm ba tháng rưỡi ngày hai đứa yêu nhau - dù rằng giờ đây nó đã thùng lỗ chỗ, nát nhàu vì bị mặc quá nhiều ở vùng có sức ép lớn và độ ẩm cao.

Đúng ngày ghi trong thiệp, anh nhảy xe khách về quê em dự cưới. Sau gần 3 giờ há mồm lắc rung, nghiêng ngửa, anh mới được chiếc xe khách thả xuống đầu làng em, nơi có con đường bê tông nông thôn mới ngoằn ngoèo, hai bên là rặng phi lao rì rào, lúc nào cũng mượt một màu xanh thăm thẳm...

Bao nhiêu năm xa em cũng là bấy nhiêu lâu anh không về lại ngôi làng. Ấy vậy mà thật kì lạ, đi tới đâu, những kỉ niệm lại hiện về bộn bề ra đến đó: đây là cây đa với tán rộng xòe ra - nơi mà anh trai em đã thắt cổ tự tử vì không chịu nổi sức ép của bọn giang hồ siết nợ; kia là nhà văn hóa thôn với hai chức năng rõ rệt: ngày dùng để tổ chức những cuộc bình chọn, tuyên truyền, xét duyệt gia đình văn hóa; đêm là nơi tụ tập, tiếp khách của những ả cave, là chốn hàn huyên, tận hưởng khoái lạc thần tiên của mấy anh trai nghiện; cả cái quán nhỏ liêu xiêu nép cạnh gốc bàng, trước đây chỉ bán thứ nước lá vối lờ lợ, ngang ngang, mọc hoang ở bãi tha ma cuối làng, nay đã tích hợp thêm dịch vụ gia tăng là ghi lô đề để tạo điều kiện cho mấy cậu choai choai vô công rồi nghề kiếm thêm thu nhập...

Anh nhớ, nhớ mọi thứ, nhớ tất cả những gì liên quan, gắn bó với em, vậy mà buồn thay, bố em lại không hề nhớ anh. Bởi lúc nhìn thấy ông đang đón khách ngoài đầu ngõ, anh tiến tới chào to, thì ông tỏ vẻ ngác ngơ, khiến anh lại phải nhắc nhở: "Bác không nhớ cháu sao? Cháu là người yêu cũ của em Hằng nhà mình đây! Hồi còn yêu nhau, Hằng đã dẫn cháu về thăm bác rồi mà!". Bố em cười trừ, giọng ậm ừ: "Cháu thông cảm! Lợn nhà chú đẻ bao nhiêu lứa, mỗi lứa bao nhiêu con thì chú còn nhớ, chứ người yêu cũ của cái Hằng thì chú chịu, vì nhiều hơn cả lợn".

Nói rồi, bố em lôi anh xềnh xệch vào trong sân - nơi có cả trăm người đang la liệt, ồn ào, say sưa ăn uống. Xong, bố ấn anh ngồi vào một mâm đã có 5 người chờ sẵn, anh là người thứ 6. Những người này chắc đều là dân làng em cả, bởi cái cách họ ăn mặc khá là giản dị, tuềnh toàng: kẻ đi dép tổ ong, người đi chân đất, kẻ xắn quần lên tận đầu gối, người lại mặc quần đùi, chứ chẳng ai giầy da bóng lộn, cắm thùng lịch sự giống như anh...

Một bác cao tuổi nhất mâm vừa cầm đũa bát lên vừa nói bằng giọng trịnh trọng: " Đủ người rồi! Ta bắt đầu chén thôi!". Tức thì, cả mâm đều cầm đũa bát lên theo. Anh cũng đói rồi, chả khách sáo nữa, nên vừa bắt đầu là anh liền vung đũa, chơi luôn cái đùi gà. Vậy nhưng chửa kịp đưa lên bát thì một đôi đũa khác đã vung ra chặn lại - đó là đũa của bác cao tuổi nhất mâm. Bác ấy, và tất cả những người khác trong mâm, đều nhìn anh vẻ gườm gườm...

Hóa ra, ở quê em, đi ăn cưới, người ta chỉ ăn rau, ăn măng, ăn miến, còn giò chả, tôm cá, bò gà thì phải để nguyên, đến cuối bữa mới chia đều theo đầu người, rồi sau đó mang về nhà ăn cùng con, cùng vợ. Thảo nào, lúc đầu anh cứ băn khoăn, tại sao mỗi mâm đều có 6 cái túi ni-lông, không biết để làm gì...
Nhưng anh không muốn gói phần, anh đói rồi, anh muốn ăn luôn. Vậy là anh rụt rè đề nghị: "Hay ta chia phần luôn đi! Các bác không ăn thì cứ để đó, lát mang về, còn của cháu, cháu ăn luôn!". "Không được! Mày ăn một mình, còn chúng tao ngồi nhìn mày ăn để chết thèm à?" - Một chị trẻ tuổi nhất mâm quát lên, rồi nhanh thoăn thoắt, chị gắp rau quẳng vào mồm nhai tồm tộp, chan canh húp soàm soạp...

Anh ăn rau, ăn miến, ăn măng một hồi chán quá đành buông đũa, đứng dậy, bỏ ra chỗ giếng nước đầu hồi. Đang lom khom định múc nước rửa tay thì nghe cái gì đó vù vù bay qua đầu, anh hoảng hồn cúi vội xuống, tưởng có đánh nhau. Cái vật thể bay đó vướng phải tàu chuối đầu hồi thì bật trở lại, rơi bịch xuống trước mặt anh: đó là một túi ni-lông đựng đầy giò chả, tôm cá. Anh chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra thì một chị từ đâu lao tới, chộp lấy cái túi và quăng qua bờ tường bao. Liền ngay sau đó là rào rào, phải đến năm bảy cái túi ni-lông khác tiếp tục bay theo...

Lúc ấy anh mới hiểu, đó là những túi thức ăn thừa từ những mâm của khách phương xa (giống như anh đây). Khách phương xa họ không chia phần mang về, nên giò chả, thịt cá ăn thừa, họ bỏ lại hết trên mâm. Sẽ có những chị chuyên đi rình rập những mâm như thế, thấy khách đứng lên là chị lập tức lao tới, vơ thịt cá chả giò cho vào túi, ném ra ngoài đường - nơi đã có sẵn đồng bọn đứng chờ. Thao tác của chị rất nhanh, có lẽ chị sợ, nếu chậm, chủ nhà sẽ bê mâm cất đi, hoặc những đối thủ khác sẽ ập vào vơ mất!

Nhận thấy sự không an toàn khi lởn vởn ở chỗ này, anh liền nhanh chóng lẻn ra vườn sau. Khu vườn sau này khá yên bình, vắng vẻ. Một cành bưởi nghiêng nghiêng xòe tán rung rinh vuốt nhẹ lên tóc anh như muốn trêu đùa, nghịch ngợm. Anh ngẩng mặt, nghèn nghẹn, rưng rưng. Gốc bưởi này, đúng gốc bưởi này đây, là nơi em đã hiến dâng cái quý giá nhất của đời người con gái cho anh, trong lần đầu tiên em mời anh về thăm quê năm ấy. Cành bưởi này, đúng cành bưởi này đây, lúc thăng hoa, em đã đưa tay ra túm lấy. Em lắc, em giật mạnh quá, khiến lá rụng tả tơi, cành rã xuống như sắp gẫy, đó là lý do mà cho đến tận hôm nay, cái cành ấy vẫn sà xuống gần mặt đất là là, chạm đầu người đi qua...

"Nghĩ gì mà ưu tư thế anh?" - Giọng ai đó từ phía sau kéo anh trở về với thực tại. Anh quay lại: đó là một cậu thanh niên kém anh chừng năm bảy tuổi, tầm mười tám, đôi mươi. Anh chưa kịp lên tiếng thì cậu đó lại tiếp lời: "Chắc anh đang nghĩ tới những phút giây thăng hoa cùng Hằng dưới gốc cây này đúng không?". Anh há hốc mồm ngạc nhiên: "Sao em biết?". Cậu ta bình thản trả lời: "Thì em cũng là người yêu cũ của Hằng mà! Ra vườn này, em cũng nhớ tới cái lần đầu tiên Hằng đưa em về thăm nhà cô ấy, cũng tại chỗ này, Hằng đã dâng hiến thứ quý giá nhất của đời người con gái cho em". Anh nghe vậy thì bàng hoàng hỏi lại: "Cũng dưới gốc bưởi này sao?". "Dạ không! Khi đó chỗ này vẫn trồng một cây xoài. Nhưng sau hôm Hằng đưa em về thăm ấy, cây xoài đã bị trụi sạch lá, gẫy hết cành, không sống nổi, bố Hằng đành nhổ đi, trồng thay vào bằng cây bưởi".

Cuộc trò chuyện giữa anh và cậu thanh niên bị cắt ngang bởi tiếng nhạc uỳnh uỳnh, eo éo từ sân trước quyện với cái giọng lèo nhèo của gã MC say rượu nheo nhéo đu theo. Anh đoán là cỗ bàn đã xong, và giờ là lúc dành cho nhảy nhót, hát hò.

Quả đúng vậy, lúc anh quay vào sân, mâm bát đã được dọn hết tự lúc nào, những chiếc bàn ăn giờ đã được lau sạch sẽ, xếp lại ngay ngắn theo hàng, bàn nào cũng trải khăn hồng, trên đặt một ấm trà, chục cái chén nhỏ, cùng một lọ hoa đủ loại đủ màu vàng xanh trắng đỏ. Bà con làng xóm đã kéo đến khá đông, trai gái, trẻ già, gần xa, lớn nhỏ, mặt mũi người nào cũng rộn ràng, hớn hở.

Trên sân khấu, nhóm thanh niên làng nhảy nhót rất hăng, mặt đỏ phừng phừng, toàn thân giật đùng đùng như bị điện giật. Anh tin, nếu có mặt ở đó thì Chí Anh - Khánh Thi cũng không thể biết được những thanh niên này đang nhảy thể loại gì, bởi mỗi người một kiểu: kẻ ưỡn ưỡn bụng, tay huơ huơ thành vòng tròn như đang quay nước mía; đứa ngửa mặt, giơ tay chỉ thẳng lên trời như pháp sư đang cầu mưa giúp buôn làng qua cơn hạn hán; người đưa tay che ngực, khom lưng, chổng mông ngúng nguẩy, hệt như mấy em hot-girl thèm tiền lên mạng show hàng kiếm khách mua dâm...

Dù lỗ tai bị cưỡng bức bởi tiếng nhạc chát chúa ồn ào, và con mắt bị bạo hành với những động tác nhảy múa loạn xì ngầu, thì mũi anh vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra mùi thơm ngào ngạt đang phảng ra rất gần ngay sau gáy. Anh quay lại. Là em...

3 năm kể từ ngày em rời xa không lời từ tạ, anh đâu ngờ ngày ta gặp lại là ngày em mặc váy cô dâu. Ánh mắt em nhìn anh vẻ u sầu, môi mấp máy mãi mới bật thành câu: "Em xin lỗi!". Anh nhoẻn miệng gượng cười, không nói, chỉ vừa lắc nhẹ đầu, vừa hát một câu trong cái bài hát mà anh vẫn cài làm nhạc chuông bấy lâu: "Không phải tại em, cũng không phải tại anh, tại thằng SH nên chúng mình xa nhau...".

Rồi em vội vàng tiến lên sân khấu, nơi chú rể đang đợi sẵn để trao nhẫn cưới cho cô dâu, cùng đọc lời thề cho lứa đôi bên nhau răng long đầu bạc. Anh lặng lẽ rút khỏi đám đông, mệt nhóc lê bước trở về trên con đường làng quạnh hiu, ngả nghiêng nắng chiều soi bóng, bỏ lại sau lưng những tiếng hò reo, chúc tụng với pháo bông kim tuyến phụt lên tưng bừng óng ánh cả không trung...
Next Post Previous Post